Ông Nguyễn Đình Binh (80 tuổi), một người có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề trồng hoa, trầm ngâm một lát rồi nói: “Trước đây trồng hoa là nghề mang lại sự thịnh vượng, ổn định cho kinh tế gia đình vì phần lớn hoa sản xuất được đều bán cho người Pháp và triều đình Huế lúc bấy giờ.
Phương pháp canh tác cũng khá đơn giản, giống cũng tự tay người trồng ươm, phân bón chủ yếu là phân hữu cơ ủ từ cây dã quỳ”. Nghề trồng hoa ở Hà Đông giờ đã đến thế hệ thứ ba như anh Trần Văn Thành (31 tuổi, cư ngụ 32 Xô Viết Nghệ Tĩnh).
Nếu trước đây, trồng hoa coi như ăn chắc, không phải chịu rủi ro như mặt hàng rau nhưng từ 2 năm qua cũng phải chịu sức ép dữ dội của cơn sóng lạm phát. Anh Thành cho rằng: “Ngày nay, nghề trồng hoa khá bấp bênh vì phải đầu tư nhiều (nhà kính, hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt) thêm vào đó giá phân bón, nông dược tăng cao nếu không gặp thời, giá hoa rớt thì lỗ trắng tay, tiền thu được không đủ trả tiền thuê nhân công”.
Làng hoa mới
Theo anh Nguyễn Văn Tới – một người con của Đà Lạt và có nhiều năm gắn bó với các chương trình khuyến nông cây hoa (hiện là Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt), từ 1985 đến 1995 có thể coi là giai đoạn trở mình của ngành trồng hoa phố núi với phong trào “nhà nhà trồng lan, người người trồng lan” xuất khẩu sang các nước thuộc Liên Xô và Đông Âu với 3 loại hoa chính là địa lan, hoa lys trắng và lay – ơn với tổng sản lượng khoảng 26 triệu cành.
Tuy nhiên, phải đến năm 1995 thì nghề trồng hoa Đà Lạt mới chính thức “bùng nổ” với sự xuất hiện của làng hoa công nghiệp Dalat Hasfarm (100% vốn nước ngoài). Chỉ với diện tích ban đầu 2 ha, làng hoa này đã cho ra đời nhiều sản phẩm hoa cắt cành và hoa chậu phong phú về chủng loại giống, rực rỡ về màu sắc và chất lượng cao đã làm thay đổi hẳn tư duy của người trồng hoa. Ngay lập tức, nhiều giống hoa cúc mới của Dalat Hasfarm đã được nhà vườn đưa vào sản xuất, cùng với phương pháp “thắp đèn sưởi ấm cho hoa” đã cung cấp ra thị trường hàng chục loại hoa cúc khác nhau vào dịp tết. Thu nhập của người trồng hoa cũng tăng vọt đã kích thích người dân mở rộng diện tích hoa cắt cành ở làng hoa Thái Phiên, Trạm Hành, Đa Thiện.
Điển hình của quá trình vươn lên mạnh mẽ để đưa thương hiệu hoa Đà Lạt bay xa phải kể đến làng hoa hồng Vạn Thành. Với 20 hộ dân tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) vào đây lập làng từ giữa thế kỷ XX, đến năm 1960 thì người dân chuyển hẳn từ rau sang trồng hoa. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nơi đây được biết đến như là nơi cung cấp hoa hồng cắt cành chủ yếu của TP Đà Lạt. Hiện có khoảng 200 hộ chuyên canh 100 ha hoa, trong đó 90% là cây hoa hồng, cung ứng cho thị trường hoa cao cấp nội địa và một phần xuất khẩu với doanh thu đạt bình quân 400 – 500 triệu đồng/ha.
Đường đến “ngôi hậu” còn dài?
10 năm qua, ngành trồng hoa Đà Lạt đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với 60 năm trước đó cả về diện tích, sản lượng và cả quy mô canh tác. Nếu năm 1995 mới có 85 ha thì 10 năm sau đã tăng gấp 5 lần và năm 2008 này đã lên tới hơn 700 ha, trong đó khoảng 650 ha nhà kính tập trung ở các phường 12, phường 5, 11, phường 8, 7.
Trong năm 2007 tỉnh Lâm Đồng (chủ yếu là Đà Lạt) đã xuất khẩu 65 triệu cành, kim ngạch đạt 9 triệu USD. Ngoài “ông kẹ” Dalat Hasfarm chuyên sản xuất hoa tươi cắt cành xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam và vài đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài thì gần đây xuất hiện Công ty CP Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt (CPCNSHRH) với 100% vốn đầu tư trong nước.
Năm 2008, công ty đã xuất được vào thị trường Nhật khoảng 1 triệu cành hoa sấy khô với 3 loại hoa chính là hồng, cẩm chướng và cẩm tú và dự kiến năm 2009 sẽ xuất khẩu 2 triệu cành, mở ra một hướng đi mới rất hứa hẹn. Qua thống kê sơ bộ, vụ hoa Tết 2009 các doanh nghiệp và bà con nhà vườn Đà Lạt đã chuẩn bị khoảng 20 triệu củ giống lyly, tăng gấp đôi so với vụ tết trước…
Tuy nhiên, về cơ bản thị trường cho cây hoa vẫn là một bài toán nhiều nghiệm đang cần có đáp án. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Lâm Đồng (trong đó phần lớn ở Đà Lạt) đã xuất khẩu 19,77 triệu cành hoa các loại, thu về 4,77 triệu USD, so với sản lượng mới chiếm khoảng hơn 4% đã nói lên tất cả… Theo anh Trần Đình Sơn, Giám đốc Công ty CPCNSHRH và cũng là người con Đà Lạt, thị trường hoa tươi, giống hoa cao cấp, hoa tươi sấy khô rất rộng mở và dù tiềm năng của ngành trồng hoa đang được đánh thức, đang “bùng nổ” nhưng phần lớn nông dân vẫn loay hoay với bài toán thị trường.
Vì vậy, điều cần thiết cho vùng hoa Đà Lạt lúc này là cần các chương trình xúc tiến đầu tư tìm thị trường cụ thể cho cây hoa từ khu vực ASEAN đến các quốc gia xa hơn ở Đông Á, Trung Đông, châu Âu và cả thị trường Mỹ. Hiện chất lượng hoa do nhà vườn cung cấp khá chênh nhau nên cũng cần có các bộ tiêu chuẩn xuất khẩu áp dụng cho từng loại hoa để giúp nông dân quen dần với tư duy thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
|