Bảo tàng Hoa được xây dựng trong khuôn viên XQ Ðà Lạt Sử quán trên đường Mai Anh Ðào, nơi có những phố nghề và công viên trưng bày nghệ thuật tranh thêu nổi tiếng. Ðây cũng là điểm viếng thăm tâm linh hướng về Ðức Tổ nghề thêu của phụ nữ và của các nghệ nhân thêu XQ trên khắp mọi miền đất nước trong mỗi lần lễ hội.
Tại đây còn có đền thờ Tổ và bảo tàng tranh thêu nằm giữa bạt ngàn hoa của thung lũng làng nghề. Ðã thành một nếp sống, một thói quen truyền thống từ nhiều năm nay, khi sương chiều bảng lảng buông lững lờ phố núi dịp cuối tuần, những nghệ nhân thêu lại tìm về nơi đây trong lễ rước sợi chỉ thêu ước nguyện thành kính dâng lên các bậc tiên hiền nghề thêu. Ðà Lạt khi đó thật đẹp, huyền ảo và mộng mơ hơn với hình bóng thấp thoáng của những tà áo dài phụ nữ dịu dàng và mềm mại bên những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo trong nỗi khát khao và mơ ước vươn lên, hướng tâm hồn mỗi người đến những điều tốt đẹp mà đặc biệt thể hiện trong đó tình yêu với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá.
Bảo tàng Hoa Tri kỷ hữu được thiết kế và bố trí theo chủ đề: Tình bạn, sự gặp gỡ của niềm đam mê với thiên nhiên và nghệ thuật. Các phòng trưng bày theo nghệ thuật sắp khá ấn tượng và độc đáo, làm nổi bật hình tượng 12 loài hoa nổi tiếng của Ðà Lạt. Những loài hoa này tương ứng với từng tháng trong năm và mang nhiều ý nghĩa, giống như sự trải nghiệm của số phận mỗi con người, đồng thời đều gắn với các câu chuyện truyền thuyết của vùng đất cao nguyên.
Cùng với các tác phẩm nghệ thuật mang trong đó tình cảm của du khách và những người yêu Ðà Lạt, ở vị trí trung tâm của mỗi phòng bảo tàng là một bức tranh thêu hai mặt khổ lớn với kỹ thuật thêu tinh xảo thể hiện loại hoa của từng tháng như: cô-cơ-li-cô, cẩm tú cầu, hoa păng-sê, hoa mai xanh, mimoza, hoa hồng, hoa đừng quên tôi, hoa thạch thảo, hoa margerite, dã quỳ, thiên điểu, mai anh đào.
Đứng bên mỗi bức tranh thêu hoa là các nghệ nhân, họa sĩ - người mà đã sáng tạo và thêu nên các tác phẩm này. Họ sẽ hướng dẫn cho du khách kỹ thuật thêu hai mặt, quy trình thêu và các giá trị nghệ thuật, ý nghĩa mỗi bức Hoa Tri kỷ hữu Ðà Lạt.
Du khách còn có thể hòa vào trong các sinh hoạt nghề nghiệp của người thợ thêu, tham quan các không gian văn hóa như: "Công viên ghế đá chiêm bao"; "Căn nhà Ðà Lạt di chúc", không gian "Nhật ký quá cảnh Ðà Lạt của người nghệ sĩ" và quán rượu "Người nghệ sĩ sống về đêm". Vào buổi tối, du khách sẽ được thưởng thức những chương trình nghệ thuật: "Tri kỷ hữu thức đêm thắp nến với Ðà Lạt - Thành phố tình yêu và nỗi nhớ", tham dự đêm nhạc ghi-ta "Dế khóc sương - trăng" và nghi thức "Gieo trồng hạt giống hoa tại khu vườn Nghìn năm dành cho các Tri kỷ hữu Ðà Lạt".
Một liên hoan nghệ thuật ẩm thực cũng thường xuyên được tổ chức tại XQ Ðà Lạt Sử quán, đó là trình diễn những món ăn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, thể hiện ý nghĩa triết lý phương Ðông về thiên nhiên và con người.
Sự kiện này thể hiện tình yêu, sự tri ân của các nghệ sĩ, nghệ nhân thêu với thành phố và cũng là mong muốn tạo dựng một sản phẩm du lịch văn hóa mang nét đặc trưng của thành phố hoa, phục vụ du khách và bạn bè gần xa có tấm lòng yêu mến thành phố cao nguyên này