Những con suối nhỏ chạy quanh các công viên, những nhịp cầu nối liền những con đường làm cho cảnh vật thêm yên bình. Những chiếc đèn đá truyền thống là thứ không thể thiếu trong bất cứ khu vườn hay công viên nào ở Nhật. Có khá nhiều mẫu đèn với đủ kích thước khác nhau được bài trí trong công viên làm không gian cũng trở nên đặc biệt hơn - không gian Nhật.
Trong công viên Kenrokuen có hồ Kasumigaike là hồ nhân tạo rất lớn, có một hòn đảo nhỏ ở giữa. Theo người Nhật, đó là nơi ở của môt ẩn sĩ có sức mạnh kỳ diệu che chở cho mọi người. Người Nhật cũng cho rằng hòn đảo này sẽ mang lại cuộc sống lâu bền, thịnh vượng đời đời.
Nhưng phía bên kia hồ Kasumigaike là một không gian khác hẳn. Không còn những bông hoa anh đào nở trắng góc trời, thay vào đó là màu xanh bền bỉ của những cây tùng đứng soi mình bên con suối nhỏ. Có những cây tùng cổ thụ hàng trăm năm tuổi vươn mình thành tán khá rộng tạo nên những thế cây rất độc đáo chỉ riêng ở Kenrokuen mới có.
Nằm đối diện với công viên là lâu đài Kanazawa, nổi tiếng ngay từ thế kỷ 17, với kiến trúc khá đặc biệt do ban đầu được xây dựng với mục đích quân sự, và cũng là một điểm tham quan du lịch thu hút khách du lịch. Không chỉ là lâu đài, nơi đây từng là căn cứ quân sự của quân đội Nhật, sau này trở thành khuôn viên của Trường đại học Kanazawa.
Những ngày cuối tuần, ngày lễ, các công viên thường rất đông người tới ngắm hoa anh đào. Khi đi, bao giờ người Nhật cũng mang theo rượu Sake - một loại rượu truyền thống được làm từ nước gạo - để vừa nhâm nhi vừa ngắm hoa. Đây được coi là nét văn hóa độc đáo được nhiều thế hệ người Nhật yêu thích và là một nếp sinh hoạt không thể thiếu với nhiều người mỗi dịp hoa anh đào nở.
Cạnh ngay hào nước xung quanh lâu đài Kanazawa cũng trồng rất nhiều hoa anh đào
Thoạt nhìn lâu đài được xây dựng với lối kiến trúc giống như những lâu đài cổ khác ở Nhật Bản, nhưng mái được bọc thêm một lớp chì bên ngoài khá độc đáo. Người ta nói lớp chì đó sẽ tan chảy khi quân thù dùng lửa đốt lâu đài và quân lính sẽ lấy chì đó bắn trả lại để giữ thành.