Vào mùa Đông, Mai lại tự rụng lá để rồi trổ hoa vào mùa Xuân. Do nắm bắt được quy trình nên người ta thường lảy lá vào những ngày giáp Tết để hoa trổ đúng vào Mồng một. Trồng mai trên đất vườn phải là thứ đất đen, đất thịt nhưng không giữ nước để tránh úng thủy. Mai trồng trên các luống vồng cao, có khoảng cách vừa đủ đề cây tăng trưởng. Mỗi năm vào rằm tháng 10 Âm Lịch phải ngắt hết lá để dồn nhựa cho các nhánh ra hoa. Tuốt lá không đúng ngày sẽ ảnh hưởng đến ngày hoa nở. Khi cắt nhánh đem ra chợ phải đốt gốc. Cách đốt gốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc giữ cho hoa nở bền hơn.
Hoa Mai là một loài hoa quý đứng đầu trong bộ tứ quý Mai, Lan, Cúc, Trúc. Thân gốc tuy cứng cỏi, xù xì, cổ kính nhưng vẫn mang dáng vẻ quý phái và thanh khiết. Dáng của Mai kiểng thường là: Dáng trực, hơi nghiêng, nghiêng, nửa thác đổ và thác đổ.
Hoa Mai có màu vàng, màu vàng tượng trưng cho sự vinh hiển cao sang. Tại Việt Nam màu vàng còn tượng trưng cho Vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành - Thổ nằm ở vị trí Trung Ương, và màu vàng cũng tượng trưng cho nòi giống Việt.
Người xưa cho rằng cây Mai có được sức thu hút mạnh đối với mọi người là do nó mang được hình ảnh của 3 loại cây đẹp: Mai, Tùng, Trúc. Ba giống cây tượng trưng cho đức tính của người Quân tử nên từ xưa đến nay ai cũng yêu thích ưa chuộng. Qua cây Mai ta có thể hình dung ra dáng vẻ của Tùng, Trúc vì Mai có cái ẻo lả, thanh tú của Trúc và vẻ uy nghi cứng cỏi của Tùng. Và người xưa còn xem cây Mai tượng trưng cho tiết tháo trong sạch, nhân cách thanh tao, có thể sánh ngang Tùng Bách, hiên ngang thi gan cùng sương gió với vòng đời hơn một trăm năm. Thi nhân Cao Bá Quát đã viết:
Thập tải luận giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa
Dịch là
Mười năm chu du tìm kiếm báu
Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai
Danh sĩ Nguyễn Trung Ngạn cũng có câu: Dã mao cốt cách nguyên phi tục nghĩa là Cốt cách của hoa Mai rừng vốn không thô tục…
Cũng chính vì lẽ đó mà cây Mai luôn có một vị thế đặc biệt trong lòng mọi người
Mùa hạ năm 1942, tại Lũng Dẻ, Việt Bắc, một năm sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, một lần lên núi chơi, Bác Hồ tức cảnh làm bài thơ tứ tuyệt chữ Hán Thướng Sơn (lên núi), trong đó hình ảnh một cành mai xuất hiện trong tứ thơ rất bất ngờ và xúc động:
Lục nguyệt nhị thập tứ
Thướng đáo thử sơn lai
Cử đầu hồng nhật cận
Đối ngạn nhất chi Mai
Nhà thơ Tố Hữu dịch
Hai mươi tư tháng sáu
Lên ngọn núi này chơi
Ngẩng đầu mặt trời đỏ
Bên suối một nhành mai.
Thiền sư Mãn Giác có bài thơ nổi tiếng về hoa Mai khi người nằm giường bệnh qua bài Cáo tật thị chúng
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ Nhất Chi Mai
Dịch là
Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua hiên trước một cành Mai
Xuân về ngắm hoa Mai, trong lòng lại thấy rộn ràng xao xuyến. Năm cũ qua đi và năm mới lại đến mang theo bao nhiêu điều tốt đẹp. Và chúng ta cũng tự nhủ với bản thân rằng trên đường đời sương gió dù gặp phải phong ba vẫn luôn giữ gìn nhân cách, như cánh hoa Mai dù rụng xuống đất vẫn không úa tàn.
Điện hoa 24 giờ
|