Nỗi khổ tâm duy nhất là tuy kết hôn đã lâu năm vẫn chưa có con. Hai người ngày đêm cầu nguyện cũng như tìm thầy xin thuốc khắp nơi để mong được hoài thai.
Không biết lời cầu nguyện của vợ chồng nông phu được đáp ứng, hay uống thuốc hữu hiệu, một năm sau sinh đôi được hai gái. Dù sao họ tin tưởng là Trời Phật đã cảm lòng thành nên sung sướng vô cùng, đặt tên cô chị là Kim Hoa, và cô em là Ngân Hoa.
Kim Ngân Hoa được cha mẹ cưng chiều, nhưng rất ngoan và khỏe mạnh quanh năm không hề có bệnh tật gì.
Ngày tháng trôi qua, hai cô càng lớn càng xinh đẹp, làng trên xóm dưới đều nghe danh tiếng. Suốt ngày mối mai tấp nập.
Những người giàu sang quyền quí cũng như bạn bè thân sơ của cha mẹ Kim Ngân Hoa đều muốn cưới một trong hai cô về làm con dâu nhà mình. Vợ chồng nông phu thương con nên không theo phong tục cổ gả chồng sớm cho con. Hai cô càng lớn càng xinh đẹp và càng nhất quyết không sống rời xa nhau, nên cũng từ chối tất cả những lời cầu hôn.
Đến năm 16 tuổi, một hôm khí trời sang thu lạnh, Kim Hoa bỗng sinh bệnh. Ban đầu cô cảm thấy đầu nặng chân nhẹ, toàn thân rất đau đớn khó chịu. Ban ngày tuy nói cười được nhưng ban đêm thì lên cơn sốt nóng như lửa đốt. Miệng và lưỡi đều khô bỏng nức nở, cả thân mình hiện đầy chấm mụn đỏ lở loét.
Vợ chồng nông phu kinh hoảng lo lắng, đón mời thầy thuốc đến thăm bệnh. Thầy nào thăm xong cũng chỉ nhìn, cho vài vị thuốc cầm chừng lắc đầu bảo bệnh nặng quá, chỉ còn nhờ Trời.
Kim Hoa uống thuốc gì cũng không bớt, trái lại bệnh càng nặng thêm. Ngân Hoa săn sóc chị ngày đêm không rời. Kim Hoa bảo em tránh xa mình vì thầy lang bảo bệnh này sẽ bị truyền nhiễm. Ngân Hoa quyết tâm ở lại cạnh chị săn sóc, chỉ tiếc rằng không thay được chị chia sẻ bớt đau khổ. Kim Hoa nhất định đuổi em ra khỏi phòng bệnh, bảo em phải sống để phụng dưỡng cha mẹ già. Ngân Hoa vẫn không vâng lời, ở lại săn sóc chị và nhắc chị lời thề “Sống cùng giường, chết cùng mồ”, mà hai chị em đã hứa với nhau.
Chỉ mấy hôm sau Ngân Hoa bị lây bệnh và cùng chị nói lời trối cuối cùng với bố mẹ: “Chúng con chết rồi nhất định sẽ biến thành một thứ dược thảo, để cứu sống những người mắc bệnh đậu mùa. Chúng con xin bố mẹ tha tội chúng con đi trước, chúng con sẽ đợi bố mẹ ở thế giới bên kia, và xin cảm đội công ơn bố mẹ nuôi dưỡng.”
Vợ chồng nông phu trong sự đau đớn cùng cực, chôn hai con gái chung một mồ để hai cô giữ trọn lời nguyền.
Cách ít lâu, từ trong mộ của Kim Hoa và Ngân Hoa mọc ra một thứ cây leo. Chỉ vài tháng sau, cây trưởng thành, lá màu lục đậm rất sum suê. Đến mùa hạ, cây nở ra thứ hoa đối chiếu nhau màu vàng và màu trắng sóng đôi.
Hoa rất xinh đẹp, rất hòa hợp nở từ cạnh của cành dây leo, và cũng rất dễ bị tổn thương vì hoa quá mong manh.
Người làng đến thăm mộ Kim Ngân Hoa để xem giống hoa lạ, và mách miệng nhau lời thề nguyện của hai chị em: “Chết rồi sẽ biến thành một thứ dược thảo để cứu người” nên đặt tên hoa ấy là Kim Ngân Hoa.
Dược thảo Kim Ngân Hoa
Dược thảo Kim Ngân Hoa cũng có tên Nhẫn Đông vì chịu được khí lạnh của mùa đông. Hoa hái lúc mới chớm nở từ tháng 3 đến tháng 6. Lá hái quanh năm. Phơi hoặc sấy khô để dành pha thay trà uống chống dị ứng, thanh nhiệt, giải độc. Có tác dụng kháng khuẩn,chữa mụn nhọt, lỡ ngứa, ban sởi, đậu mùa, rôm sảy, thấp khớp, viêm mũi dị ứng.
Theo Trung y, Kim Ngân vị ngọt, tính hàn, không độc, đi vào 4 kinh Phế, Vị, Tâm và Tỳ.
Dùng chữa bệnh ngày từ 4 đến 8g hoa, hoặc 10 đến 20g cành có lá, dùng như cách sắc thuốc, cao thuốc hoặc ngâm rượu.
Kim Ngân Hoa tươi hay khô, hoa hay lá đều có thể dùng như trà .
Cháo Kim Ngân Hoa dùng khi muốn thanh nhiệt, giải độc .
Cháo trắng nấu riêng. Kim Ngân Hoa nấu riêng. Khi ăn, hâm cháo sôi lên, pha thêm trà Kim Ngân Hoa đã nầu riêng vào cháo . Ăn ngọt mặn tùy thích. Những người Tỳ Vị hư hàn, không có nhiệt độc không nên dùng.
Cho đến bây giờ, không biết đã qua bao nhiêu trăm năm, vào khoảng tháng 5, tháng 6 lúc Kim Ngân Hoa hàm tiếu, thơm ngát cả một vùng trời, những bà mẹ quê lại kể huyền thoại Kim Ngân Hoa cho các con nghe, để học tính chất một dược thảo và cũng để nhắc nhỡ các con là tình chị em sâu đậm đến chết không phai.
Điện hoa 24 giờ
|