Mùa hái hoa hồi

Tháng Chín, khi ánh nắng mặt trời không còn gay gắt và bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa là thời điểm người dân ở các huyện vùng cao của tỉnh Lạng Sơn bước vào mùa thu hoạch hoa hồi.

Mùa thu hoạch hoa hồi bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài cho đến hết tháng 10 hàng năm. Nhưng giữa tháng 8 người ta đã đi phát dọn quanh những gốc hồi của nhà mình sạch sẽ, quang đãng để sau này nhặt những bông hoa hồi rụng xuống trong khi hái.

Thu hái hoa hồi

Những người đi hái hoa hồi cũng phải dậy từ rất sớm. Họ phải đi từ 2 - 3 km mới đến được rừng hồi của gia đình mình. Nếu đi xa, họ phải mang theo cơm nắm đến chiều mới về nhà.

Mùa thu hoạch hoa hồi là mùa bận rộn. Từ sáng sớm, trên cây hồi có độ cao từ 20 - 40m, thấp thoáng những dáng người leo trèo uyển chuyển từ cành này sang cành khác như những con sóc, một tay bám vào cành, còn tay kia thoăn thoắt bứt những bông hoa hồi bỏ vào bao. Dưới gốc cây, những đứa trẻ cười đùa ríu rít, lom khom cúi nhặt những bông hoa hồi mà bố mẹ chúng làm rơi xuống. Mỗi người một việc, vừa làm vừa nói chuyện rôm rả làm không khí trong rừng vốn yên tĩnh, nay trở nên ồn ào, náo nhiệt.

Hoa hồi sau khi hái về được phơi khô

Anh Hoàng Văn Dũng ở thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh (Lộc Bình - Lạng Sơn), người có thâm niêm hơn 20 năm trong nghề trèo hồi cho biết: “Những người hái hoa hồi nhanh và gặp những cây hồi sai quả mỗi ngày hái được từ 70 - 100kg, với giá trên thị trường hiện nay là 15.000 đồng/kg hồi tươi và 100.000 đồng/kg hồi khô, trung bình mỗi ngày, người trèo hồi thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng”.

Tuy nhiên, cũng theo anh Dũng, nghề trèo hồi rất vất vả vì bị say, buồn nôn do mùi dầu hồi. Ngoài ra, hai bàn chân còn bị sưng tím do phải leo trèo trên cây cả tháng. Đặc biệt nguy hiểm hơn vì cành hồi rất giòn và dễ gãy, nếu không may bị ngã, nhẹ thì gãy chân, gãy tay, nặng có thể tử vong./.

dien hoa 24 gio theo vov

Quay lại