Chuẩn bị cho ngày Tết, ngoài bánh chưng, thức ăn ngon để cúng ông bà tổ tiên và đãi khách... trong mỗi gia đình đều không thể thiếu các loại hoa. Không chỉ để trang hoàng cho không gian đón Tết của gia đình thêm tươi mới và ấm cúng, hoa trong ngày Tết còn được nhiều người coi như một thú chơi tao nhã.
Nếu như người miền Nam ưa chọn hoa mai vàng rực rỡ thì người miền Bắc và đặc biệt là người Hà Nội thường không thể thiếu hoa đào. Tuy nhiên hoa đào để cắm ở trong bình thường là hoa đào Bích, thứ hoa đào có màu sắc đậm đà và nhiều hoa, tượng trưng cho sự may mắn. Hoa đào nhưng là đào phai thường được uốn theo các thế, để trồng ở hiên hay sân làm cảnh. Một cành đào nhỏ hoặc một bó nhánh đào dùng để ngắm trên bàn thờ khoảng 20.000đ-30.000đ/cành.
Một cành đào lớn, loại cành mập mạp, nụ hoa to, thường dùng để cắm ở trước bàn thờ hay cạnh bàn uống nước, giá từ 50.000đ-100.000đ/cành. Tuy nhiên, hiện nay do ưa thích sự độc đáo, nhiều gia đình người Bắc cũng chơi hoa mai trong ngày Tết. Một cây mai thế, tuỳ loại to hay nhỏ mà có giá từ 1.000.000đ-3.000.000đ/cây...
Bên cạnh các loại hoa đào, hoa mai, một số người vẫn ưa thú chơi của người Hà Nội xưa, trên bàn ngày Tết bao giờ cũng có một bình hoa thuỷ tiên. Hoa thuỷ tiên hiện nay được các nhà vườn giữ cho nở đúng trong ngày Tết và thường được bán kèm với bình hoặc ly bằng thuỷ tinh. Đây là loại hoa màu trắng cùng với mùi hương rất dịu nhẹ, tạo cho không gian một vẻ thuần khiết. Một bình hoa thuỷ tiên giá từ 80.000đ-200.000đ/bình.
Ngoài các loại hoa trên, nhiều người còn ưa chơi hoa lan trong ngày Tết. Hoa lan có hai loại là phong lan và địa lan. Hoa phong lan thường được treo ngoài hiên hay cửa sổ. Hoa có rất nhiều loại với màu sắc khác nhau như: vàng, tím, trắng, đỏ... do đó, tuỳ theo không gian, bạn có thể chọn một loại hoa phù hợp. Hoa địa lan cũng có sự phong phú không kém, song, theo xu hướng hiện đại thì mọi người thường thích địa lan Đà Lạt có bông to, hoa nhiều và có nhiều loại màu sắc như: hồng phấn, vàng...
Hoa địa lan Đà Lạt thích hợp với những phòng khách lớn, một chậu địa lan Đà Lạt, tuỳ loại, giá có thể từ vài triệu đồng/chậu. Còn những chậu địa lan bình thường, có từ 1 đến 3 nhánh lan giá từ 150.000đ- 300.000đ/chậu.
Ngoài sử dụng các loại hoa trong bình trong chậu bạn có thể tự tay trổ tài cắm hoa để trong nhà có một bình hoa theo phong cách đặc biệt nào đó mà bạn muốn. Bạn có thể tham khảo các ý tưởng cắm hoa trong các sách và tạp chí hướng dẫn, sau đó đi chọn mua hoa nguyên liệu. Hoa ngày Tết thường đắt hơn chút đỉnh so với những ngày bình thường, một cành hồng nhung, loại hồng Pháp giá từ 5.000đ-15.000đ/cành, một cành ly giá khoảng 50.000đ/cành, một bó ly-bê-ru giá 35.000đ-40.000đ/bó, hoa lay ơn giá khoảng 30.000đ-50.000đ/10 cành, hoa violet giá 5.000đ-10.000đ/bó...
Ngoài hoa tươi bạn có thể trang trí cho căn phòng với các loại hoa giả. Hiện có hai loại phong cách là: Cổ điển, độc đáo và sinh động, tươi mới. Ưu điểm của các loại hoa giả là có thể dùng lâu, không tốn thời gian chăm sóc, có thể để trên ti vi, trong tủ...
Tại Hà Nội, bạn có thể mua hoa tươi tại các cửa hàng hoa và chợ hoa, còn mua hoa giả bạn có thể đến các cửa hàng ở phố Hàm Long. Giữ hoa tươi lâu trong ngày Tết, bạn có thể cho thêm B1 vào bình nước hoặc có thể cho một đoạn dây ngắn đồng đã rửa sạch vào trong bình. Hàng ngày bạn nên tưới nước cho hoa bằng bình xịt có tia nước nhỏ, dạng phun sương, và cũng không nên tưới quá nhiều nước cho hoa... Không nên để hoa tươi lên trên những đồ điện tử như ti vi, loa, dàn, đồ gỗ... vì hoa tươi thường có độ ẩm cao và nước tưới hoa có thể làm hỏng các thiết bị này.
|