Phát hiện nhiều quần thể trà hoa vàng quý hiếm

TS Trần Ninh (giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội) đã cùng các cộng sự phát hiện một loài trà hoa sắc vàng tươi trong khu rừng của TP. Đà Lạt (hiện chưa thể tiết lộ vị trí cụ thể).

Hoa trà

Phát hiện loài mới tại Đà Lạt
Cây hoa trà (Camellia) với sắc hoa màu vàng là loài quý hiếm (hiện mới chỉ phát hiện được tại Việt Nam và Trung Quốc), có giá trị kinh tế và y dược rất cao. Trà hoa vàng có nguy cơ tuyệt chủng nên việc phát hiện thêm những quần thể mới là tín hiệu vui không chỉ với giới nghiên cứu. Sau khi chụp ảnh, thu mẫu để giám định cho thấy loài trà hoa này có những đặc điểm khác biệt với các loài đã được các nhà nghiên cứu trên thế giới phát hiện, mô tả và công bố trước đây. Loài trà hoa vàng quý hiếm ở xứ sở ngàn hoa này sẽ được đặt tên, công bố trong thời gian tới. Những tháng gần đây, khi tiến hành điều tra về đa dạng sinh học, Ông Trần Ngọc Hải (Đại học Lâm nghiệp) cũng phát hiện trà hoa vàng trong khu vực rừng tái sinh thuộc xã Phước Lộc (Đạ Huoai, Lâm Đồng).

“Chúng tôi đã lấy tiêu bản lá của loài cây này để giám định và kết luận đó chính là trà hoa vàng – loài cây quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Tiếc rằng cả hai lần chúng tôi đến đó, cây đều chưa ra hoa nên chưa thể xác định được loài” – Ông Hải nói. Theo TS Ninh, tại thị trấn Mađagui (Đạ Huoai) có người đã sưu tầm được cây trà hoa vàng thuộc loài Camellia Dormoyana – loài trà hoa vàng đầu tiên được phát hiện trên thế giới vào thập niên đầu của thế kỷ XX . Điều thú vị là Camellia Dormoyana được người Pháp phát hiện ngay tại Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) và đã được công bố trên Thực vật chí Đông Dương.

Đến năm 2003, ông Nguyễn Thiện Tịch (ĐH KHTN ĐHQG TPHCM) cũng đã tìm thấy một loài trà có hoa màu vàng đậm rất đẹp này tại Lâm Đồng. Mới đây, giới nghiên cứu cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của Camellia Dormoyana tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên.

B]Những “mỏ vàng” bị lãng quên/B]
Theo “Camellia International Journal” – tạp chí chuyên nghiên cứu về Trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8% trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% đã có thể xem là thành công trong điều trị ung thư; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu, trong khi dùng các loại thuốc khác thì mức độ giảm chỉ là 33,2%... Một số công trình nghiên cứu cho thấy trà hoa vàng giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp, hạ đường huyết; chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu… “Trung Quốc đã xây dựng Vườn Camellia Quốc tế; trồng nhân tạo vùng trà hoa vàng nguyên liệu rộng hàng chục hécta; nghiên cứu thành công các chế phẩm và sản xuất, xuất khẩu hàng loạt dược liệu và thực phẩm chức năng làm từ trà hoa vàng như Superior tea, Golden Camellia... Một chai Golden Camellia trị giá khoảng 4,76 triệu đồng.

Trong khi đó, Việt Nam đã phát hiện trà hoa vàng gần một thế kỷ nhưng công tác bảo tồn chưa được chú ý, việc nghiên cứu ứng dụng hầu như còn bỏ ngỏ” – TS Ninh băn khoăn và khuyến cáo không chỉ 2 loài trà hoa vàng có tên trong Sách đỏ Việt Nam mà hàng chục loài trà hoa vàng khác đều đang trong tình trạng nguy cấp.

Do đó nơi nào phát hiện được thì phải bảo tồn. Ông Hải cũng rất lo lắng khi những cây trà hoa vàng quý hiếm ở Phước Lộc bị người dân chặt phá trong quá trình khai hoang để trồng ca cao. Bởi số cá thể trong tự nhiên còn rất ít và phạm vi phân bố hẹp nên các nhà khoa học thế giới rất quan tâm đến loài cây này. Cả trăm nhà khoa học đã đến Việt Nam dự hội thảo, nghiên cứu về trà hoa vàng và có người đã đề nghị hợp tác nghiên cứu bảo tồn.

Theo TS Ninh, trước mắt chủ yếu là bảo tồn tại chỗ, đồng thời nghiên cứu di thực về trồng khảo nghiệm tại Đà Lạt, vườn Quốc gia Tam Đảo… về lâu dài, cần tập trung nhân giống (giâm cành…) để trồng với qui mô lớn.

Điện hoa 24gio - Theo TTXVN

Quay lại