Hơn 30 năm qua, anh lặng lẽ chăm bẵm từng gốc sen như lưu giữ một nét văn hóa độc đáo của mảnh đất cố đô. Anh tên Võ Văn Phúc, ở P.Thuận Hòa, TP Huế.
Một mình anh Phúc sở hữu gần 2ha ao hồ nhánh sông Ngự Hà chảy qua kinh thành để trồng sen. “Tôi là người thứ ba nối nghiệp trồng sen của ông cha” - anh Phúc nói, đôi tay vẫn thoăn thoắt giặm sen.
Đầm sen của anh Phúc năm nay tươi tốt, hứa
hẹn Huế có vụ sen đẹp -Ảnh: Nguyễn Đông
Theo cha trồng sen từ khi 16 tuổi, đến nay anh Phúc cũng là một trong những tay kỳ cựu trong làng sen Huế. “Nghề trồng sen khó học lắm. Ngày trước theo cha đi trồng sen khắp các ao hồ, mình phải tỉ mỉ quan sát rồi mày mò cấy thử. Nhiều lúc sen mất mùa, tôi định bỏ nghề. Ai đời trồng cả gần 2ha sen, bỏ ra ngót ngét trăm triệu để mua giống. Rứa mà trắng tay” - anh nói. Ví như mấy năm trước, cả đầm sen Huế chết rụi. “Tụi tui buồn không phải vì thất bát mà còn vì nhiều người không có sen chơi, nghĩ rứa mà buồn lòng” - anh bày tỏ.
“Sen bây chừ khó trồng lắm!” - anh Phúc nói. Diện tích trồng sen cứ chật dần, anh phải lặn lội chèo thuyền đi dọc các khúc sông chảy quanh kinh thành Huế để cải tạo lấy đầm trồng sen. Anh bảo cái giống sen rất khó chịu, chỉ cần đất hoặc nước không hợp với nó thì đừng có hòng mà trồng được.
Ông Huỳnh Văn Đạm, phó chủ tịch UBND phường Phú Hòa, cho biết ao đầm khu vực gần cửa Đông Ba bị ô nhiễm nặng do các hộ dân sống ven sông Ngự Hà thải ra. “Chúng tôi cho anh Võ Văn Phúc bên phường Thuận Lộc sử dụng ao ở đây để trồng sen, nói là cho mượn chứ thực tế anh Phúc phải lăn lưng ra vớt rác, bèo... mới có đất mà trồng. Đến vụ, ao sen của anh vừa làm đẹp cho khu Đại nội, vừa làm sạch môi trường nên ai cũng thích” - ông Đạm nói.
Nhờ kinh nghiệm gia truyền lại chăm chỉ, ruộng sen của anh Phúc năm nào cũng nở đúng vụ, bông to, cánh mọng... nên hầu hết tiểu thương từ các huyện ngoại thành, thậm chí người xứ Quảng, cũng tìm đến đầm sen của anh. Mấy người khách Tây đi tham quan Đại nội cũng hay nán lại ruộng sen để quay phim, chụp hình.
Ông Lê Khánh, chủ tịch Hội Nông dân TP Huế, cho biết: “Người trồng sen ở TP Huế bây chừ chỉ còn trên dưới chục người. Chủ yếu trồng trong khu Đại nội, hồ Tịnh Tâm, duy chỉ có anh Võ Văn Phúc vẫn kiên trì vớt rác trồng sen. Ao sen của anh năm nào cũng nở đúng mùa, làm đẹp xứ Huế”.
Nói về nghề trồng sen, anh Phúc cho biết: tháng giêng ủ gốc, rồi lo đi dọn đáy hồ đến khi chỉ còn một thứ bùn ròng, đợi thời tiết thuận lợi đem sen ra trồng. Hoa sen được trồng bằng thân sen (người Huế gọi là mặt sen). Cứ trung bình 1ha trồng khoảng 1.000 mặt sen là vừa. Tháng 5 đúng kỳ sen nở rộ, anh lại tranh thủ đổ bông (hái hoa, để bán cho khách), rồi đổ hột (tức ngắt gương sen về gỡ lấy hạt), phân phối hạt tươi cho khách nấu ăn.
Anh cho biết hầu như toàn bộ cây sen chẳng có bộ phận nào phải bỏ phí. Nhị và tim sen được các cơ sở đông y đông dược thu gom làm thuốc. Ngó sen cùng củ sen là thứ mà các tiệm ăn, quán nhậu liên tục đặt hàng. Cả lá sen, người ta cũng cắt bán cho cánh tiểu thương dùng gói cốm, gói bún, gói hoa sen hay hạt sen.
|